CHỦ ĐẦU TƯ LÀ AI? CÓ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ NÀO TRONG DỰ ÁN ĐẦU TƯ?
Chủ đầu tư là một cụm từ rất thường gặp thế nhưng không phải ai cũng định nghĩa đúng. Đặc biệt lại càng có ít người nắm được đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ trong dự án của một chủ đầu tư. Chính vì vậy, NIK chia sẻ cho bạn bài viết dưới đây với mong muốn giúp bạn hiểu rõ về cụm từ này!
1. Chủ đầu tư là ai?
Chủ đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân đầu tư sở hữu vốn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Còn trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, bất động sản, chủ đầu tư chính là người được giao vốn để triển khai dự án.
Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng. – Trích Luật Xây dựng 2014
Chủ đầu tư là tổ chức sở hữu vốn hoặc tổ chức được giao thay mặt chủ sở hữu vốn, tổ chức vay vốn trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án. – Trích Luật đấu thầu 2013
Trong vai trò này, chủ đầu tư được quyền quản lý nguồn vốn dự án và cũng có thể tự chọn, chỉ định đơn vị thầu. Đồng thời cũng phải chịu mọi trách nhiệm từ tiến độ, chất lượng cho tới hiệu quả đầu tư của dự án với các cấp độ khác nhau.
>> Xem thêm: Tổng hợp các chủ đầu tư uy tín TpHCM | Cập nhật 2023
2. Vai trò của chủ đầu tư trong dự án đầu tư
Một chủ đầu tư dự án sẽ có 2 nghiệm vụ chính, đó là:
- Đảm bảo mình có đủ khả năng thay cho người quyết định đầu tư để có thể tổ chức tư vấn, quản lý tất cả các vấn đề liên quan tới dự án. Trường hợp chủ đầu tư không có hoặc không đủ năng lực thì việc sa thải là hoàn toàn có thể xảy ra
- Phải tham gia trực tiếp vào việc giám sát công trình từ khi bắt đầu cho tới khi hoàn thành và liên tục kiểm tra các công tác thiết kế lẫn tiêu chuẩn thi công công trình
3. Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng
Trong Điều 112 Luật Xây dựng 2014 có nêu rõ trách nhiệm của một chủ đầu tư xây dựng. Cụ thể như sau:
- Dựa theo quy định, tìm kiếm và lựa chọn đơn vị thi công có năng lực (cá nhân, tổ chức) đảm nhận việc thi công xây dựng công trình, giám sát thi công (nếu có) cũng như thí nghiệm và kiểm định chất lượng của công trình thi công cùng một số công việc liên quan khác
Xem thêm Các hình thức đầu tư
- Thông báo với các nhà thầu trong dự án cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các bên tham gia vào hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu giám sát thi công cùng chủ đầu tư
- Dựa vào Điều 72 trong Luật Xây dựng để kiểm tra các điều kiện khởi công xây dựng dự án
- Dựa vào hợp đồng xây dựng, hồ sơ dự thầu để kiểm tra mức độ phù hợp năng lực của các nhà thầu, trong đó có các yếu tố: Thiết bị thi công, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng và phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
- Dựa theo hợp đồng xây dựng tiến hành kiểm tra việc huy động, bố trí nhân lực triển khai dự án của nhà thầu giám sát thi công
- Trong quá trình triển khai thi công xây dựng công trình cẩn liên tục kiểm tra, giám sát:
- Vật liệu, cấu kiện, thiết bị được sử dụng để lắp đặt cho công trình, các sản phẩm xây dựng, tiến hành làm thí nghiệm kiểm tra chất lượng trong trường hợp cần thiết
- Tiến hành kiểm tra các biện pháp thi công công trình của nhà thầu thi công xây dựng và có quy định cụ thể về biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, máy móc, công trình
- Liên tục kiểm tra, giám sát và đôn đốc các nhà thầu thực hiện đúng công việc của mình, đảm bảo chất lượng, tiến độ
- Trong trường hợp phát hiện có sai sót hay vấn đề bất hợp lý phải yêu cầu nhà thầu thiết kế khắc phục
- Kiểm tra các tài liệu để phục vụ nghiệm thu
- Kiểm tra, xác nhận các bản vẽ hoàn công
- Trong quá trình xây dựng công trình chủ đầu tư xây dựng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
Xem thêm Cách đánh giá hiệu quả dự án đầu tư
- Trường hợp có nghi ngờ về chất lượng công trình hoặc nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành kiểm định chất lượng bộ phận công trình, toàn bộ công trình và các hạng mục thuộc công trình
- Chủ đầu tư dự án phải tổ chức nghiệm thu công trình và lập hồ sơ hoàn thành công trình
- Nếu xét thấy nhà thầu thi công thực hiện dự án không đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, an toàn thi công thì phải tạm dừng hoặc đình chỉ
- Nếu có vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công dự án phải chủ trì và phối hợp các bên liên quan để giải quyết
- Công trình hoàn thành phải lập báo cáo hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nếu có yêu cầu đột xuất phải làm và gửi báo cáo và gửi tới cơ quan quản lý của nhà nước về xây dựng
- Chủ đầu tư được quyền thuê nhà thầu tư vấn giám sát để thực hiện toàn bộ hoặc một phần công việc trong Khoản 3, 4, 6, 9, 10 và 13 Điều này cùng các công việc khác trong trường hợp cần
- Dựa vào hợp đồng xây dựng và các quy định pháp luật liên quan chủ đầu tư phải tiến hành kiểm tra công việc của nhà thầu tư vấn giám sát
Ngoài ra, trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn được nêu tại Điều 29 Nghị định 68/2019/NĐ-CP như sau:
- Tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định và trình lên cấp có thẩm quyền để tiến hành thẩm định, phê duyệt
- Tổ chức lập dự toán xây dựng, bản dự toán xây dựng điều chỉnh, xác định các định mức xây dựng mới hoặc điểm chỉnh của công trình sau đó trình lên cấp có thẩm quyền để tiến hành thẩm định, phê duyệt
- Tổ chức xác định cụ thể về mức giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng cho công trình, gói thầu xây dựng
- Dựa theo quy định trong hợp đồng để tạm ứng, thanh – quyết toán hợp đồng cho nhà thầu
- Dựa theo quy định để tổ chức kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng
- Được quyết định đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính hợp lý, chính xác của giá trị đề nghị cơ quan thanh toán vốn đầu tư thanh toán cho nhà thầu
- Dựa theo Điều 27 của Nghị định này tổ chức lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng
- Với các công trình quy định phải mua bảo hiểm thì chủ đầu tư phải mua hoặc có thể ủy quyền cho nhà thầu mua
- Cung cấp cho cơ quan nhà nước các thông tin dữ liệu của dự án và nếu có yêu cầu phải tiến hành tổ chức, phối hợp để thu thập thông tin quản lý chi phí dự án
- Các nghĩa vụ khác có liên quan tới việc quản lý chi phí
Chủ đầu tư dự án cũng phải có trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, các trường hợp phải chịu trách nhiệm gồm:
- Trong quá trình triển khai dự án xây dựng không thực hiện đúng các nghĩa vụ trong Khoản Điều này cũng như những điều khoản khác có liên quan nằm trong Nghị định này (ngoại trừ trường hợp bất khả kháng)
- Sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả, khiến dự án chậm tiến độ dẫn tới lãng phí, thất thoát, làm gia tăng chi phí dự án, giải ngân vốn đầu tư không kịp thời
Xem thêm 5 giai đoạn cảu dự án đầu tư
4. Quyền hạn của chủ đầu tư trong xây dựng
Ngoài trách nhiệm thì các chủ đầu tư dự án còn có những quyền hạn riêng của mình, đó là:
- Nếu có đủ năng lực điều kiện thi công xây dựng công trình có thể tự thực hiện thi công xây dựng hoặc có thể lựa chọn nhà thầu xây dựng dựa theo đúng quy định
- Có quyền đàm phán và ký kết hợp đồng xây dựng
- Trong quá trình xây dựng dựa theo hợp đồng để yêu cầu nhà thi công thực hiện theo các điều khoản đã ký kết
- Dựa theo các biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường khi thi công nhà thầu đưa ra để xem xét và thông qua
- Trường hợp nhà thầu vi phạm quy định pháp luật, hợp đồng có quyền tạm dừng, đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng
- Nếu công trình vi phạm quy định chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường chủ đầu tư dự án được quyền yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công, khắc phục hậu quả
- Trong quá trình thi công có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện xây dựng công trình
- Các quyền hạn khác dựa theo quy định pháp luật
>> Xem thêm: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư gồm những công tác gì? Trình tự thực hiện?
5. Cách nhận biết một chủ đầu tư uy tín
Chủ đầu tư uy tín sẽ quyết định tính khả thi và tiềm năng của dự án. Do đó, trước khi có ý định đầu tư hoặc thuê mua một tòa nhà, căn hộ nào đó, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về chủ đầu tư của dự án.
Dưới đây là một số tiêu chí bạn có thể xem xét khi lựa chọn chủ đầu tư:
- Yếu tố pháp lý: Khi quyết định đầu tư vào dự án cần quan tâm đến thông tin dự án mà chủ đầu tư đưa ra. Các thông tin này cần được cung cấp đầy đủ, rõ ràng và hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Kinh nghiệm vận hành: Kinh nghiệm vận hành nhiều năm của chủ đầu tư sẽ tích lũy được những kinh nghiệm và kỹ năng vận hành dự án để đối phó với những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thi công dự án.
- Số dự án đã được thực hiện: Những dự án đã được chủ đầu tư thi công là một tiêu chí quan trọng để bạn có thể dựa vào. Thông thường, những chủ đầu tư uy tín sẽ có những dự án chất lượng, hiệu quả và được khách hàng phản hồi tích cực.
- Tình hình tài chính: Nếu chủ đầu tư có tình hình tài chính tốt, mạnh sẽ khiến người mua tin tưởng hơn vào tiềm năng của dự án. Các nhà đầu tư lớn, tinh vi sẽ có tình hình tài chính tốt.
- Đối tác: Đối tác của nhà đầu tư là yếu tố thể hiện rõ nhất uy tín của nhà đầu tư đó. Nếu đối tác là công ty bất động sản lớn và có uy tín trên thị trường thì đây có thể là chủ đầu tư uy tín mà bạn có thể lựa chọn.
Trên đây là giải đáp chủ đầu tư là ai và vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của họ. Với những thông tin trên có thể thấy chủ đầu tư đóng vai trò vô cùng lớn, có ảnh hưởng trực tiếp tới công trình và không phải ai cũng làm được. Khóa học Trí Tuệ Doanh Nghiệp của NIK EDU được giảng dạy bởi những chuyên gia uy tín, đã đào tạo cho hơn 100.000 học viên về đầu tư và doanh nghiệp. Tham gia ngay để cùng nhau tìm ra chiến lược phát triển cho doanh nghiệp của bạn tại đây.