THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ: GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ CHO NHÀ QUẢN LÝ DỰ ÁN

Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, việc ra quyết định đầu tư sáng suốt là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Từ đây, thẩm định dự án đầu tư càng trở nên quan trọng hơn, giúp nhà quản lý đánh giá chính xác tiềm năng, rủi ro của dự án. Bài viết dưới đây, NIK sẽ cung cấp đến bạn nội dung, quy trình cũng như các câu hỏi thường gặp khi thẩm định bất kỳ dự án đầu tư nào. 

1. Dự án đầu tư là gì?

1.1. Khái niệm dự án đầu tư 

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Khái niệm dự án đầu tư là gì?

Theo Ngân hàng Thế giới, dự án đầu tư là tổng thể của các chính sách, hoạt động và chi phí liên quan, được lập kế hoạch để đạt được những mục tiêu cụ thể trong một thời gian nhất định.

Dự án đầu tư còn có thể hiểu là sự kết hợp các hoạt động có liên quan, được lập kế hoạch nhằm đạt các mục tiêu đã được định trước, thông qua việc sử dụng các nguồn lực cụ thể (theo PGS.TS. Bùi Văn Vần & PGS.TS. Vũ Văn Ninh)

Ngoài ra, trong Luật Đầu tư 2020, khái niệm về dự án đầu tư được định nghĩa là việc đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh trên một địa bàn cụ thể, trong một khoảng thời gian xác định.

1.2. Phân loại dự án đầu tư

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Phân loại dự án đầu tư

1.2.1. Theo góc độ quản lý riêng lẻ

Về bản chất, dự án đầu tư bao gồm nhưng không giới hạn các mục tiêu sau đây:

  • Dự án thay thế – Duy trì hoạt động kinh doanh
  • Dự án thay thế – Tối ưu, giảm chi phí
  • Dự án mở rộng sản phẩm/thị trường hiện có
  • Dự án mở rộng sản phẩm, mở rộng thị trường mới
  • Dự án tạo an toàn/xã hội/hoặc bảo vệ môi trường
  • Các dự án đa dạng khác

1.2.2. Theo góc độ quản lý danh mục

Dựa trên quan điểm quản lý danh mục, phân loại dự án đầu tư trong doanh nghiệp có 2 loại:

  • Dự án đầu tư độc lập: Đây là dự án đầu tư mà việc lựa chọn hoặc loại bỏ dự án này không ảnh hưởng đến việc lựa chọn hoặc loại bỏ dự án khác. Trong thực tế, các dự án này không ảnh hưởng đến nguồn lực hoặc doanh thu khi thực hiện các dự án khác.
  • Dự án đầu tư xung khắc: Đây là dự án đầu tư mà việc lựa chọn dự án này sẽ dẫn đến loại bỏ các dự án khác.

1.3. Nội dung của dự án đầu tư

Các nội dung của dự án đầu tư bao gồm: 

  • Mục tiêu, nhu cầu và sự cần thiết của việc đầu tư
  • Sản phẩm và kết quả đầu ra dự kiến
  • Các điều kiện ảnh hưởng đến dự án như điều kiện pháp lý, kinh tế – xã hội, thị trường kinh doanh và tự nhiên
  • Phương án, giải pháp kỹ thuật và công nghệ để thực hiện dự án
  • Phương án kinh doanh, phương án triển khai, thời gian và tiến độ triển khai, cùng với các chỉ tiêu hiệu quả đầu tư như NPV, IRR và thời gian hoàn vốn.

Trong đó, các loại giấy tờ/ hồ sơ dự án cần chuẩn bị bao gồm:

  • Văn bản pháp lý: Bao gồm Văn bản chấp thuận của Cơ quan nhà nước, Nghị quyết/Quyết định của HĐQT, Ban TGĐ, Giấy phép, Giấy chứng nhận đầu tư, và các tài liệu liên quan.
  • Thuyết minh dự án đầu tư và tài liệu đính kèm: Bao gồm Phương án công nghệ, Phương án kiến trúc, và các tài liệu khác liên quan.
  • Báo cáo hiệu quả đầu tư và phương án tài chính (PATC): Báo cáo này trình bày hiệu quả đầu tư của dự án và các phương án tài chính liên quan.

>>> Xem thêm: 5 giai đoạn chính của dự án đầu tư không nên bỏ qua

2. Thẩm định dự án đầu tư là gì?

2.1. Khái niệm và mục đích của thẩm định dự án đầu tư

Thẩm định dự án đầu tư là việc xem xét một cách khách quan, toàn diện các yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của dự án nhằm đưa ra quyết định đầu tư.

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Khái niệm thẩm định dự án đầu tư

2.2. Vai trò của thẩm định dự án đầu tư

Thẩm định dự án giúp đánh giá tính khả thi và hiệu quả của một dự án. Dưới đây là một số vai trò chính của thẩm định dự án đầu tư: 

  • Đối với chủ đầu tư: Giúp nhận biết và tận dụng cơ hội đầu tư, tránh rủi ro và giảm thiểu chi phí cơ hội. Đây cũng là cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn phương án đầu tư, xây dựng và quản lý kế hoạch, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện dự án, cũng như tìm kiếm các đối tác liên doanh.
  • Đối với nhà tài trợ: Là việc làm không thể bỏ qua trước khi đưa ra quyết định về việc tài trợ dự án. Việc thẩm định dựa trên tính khả thi và khả năng hoàn trả nợ của dự án, cũng như các quy định của ngành về đối tượng cho vay. 
  • Đối với các cơ quan quản lý: Thẩm định dự án đầu tư được thực hiện từ góc độ quản lý nhà nước, nhằm xem xét xem liệu dự án có phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước hay địa phương không. Đối với những dự án phù hợp, thẩm định dự án là cơ sở để các cơ quan quản lý xem xét ưu đãi về đất đai, thuế và lãi suất.

2.3. Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư

Dựa theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 18 Nghị định 40/2020/NĐ-CP, các thành phần hồ sơ thẩm định dự án đầu tư công sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc có cấu phần xây dựng hay không. Trường hợp dự án đầu tư công không bao gồm cấu phần xây dựng, hồ sơ bao gồm:

  • Tờ trình thẩm định dự án: Giải thích về tính cần thiết của dự án đầu tư, mục tiêu và các nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đề xuất về việc ban hành quyết định dự án đầu tư công.
  • Báo cáo nghiên cứu tính khả thi dự án.
  • Báo cáo tổng hợp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.
  • Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Theo quy định tại Điều 74 của Luật Đầu tư công, trường hợp dự án đầu tư công bao gồm cấu phần xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, hồ sơ thẩm định dự án đầu tư công bổ sung ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.

2.4. Nội dung thẩm định dự án đầu tư

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Nội dung của thẩm định dự án đầu tư

2.4.1. Về mặt pháp lý

Về mặt pháp lý, nội dung dự án đầu tư nên thẩm thẩm định các mặt:

  • Tư cách pháp nhân
  • Giấy đăng ký kinh doanh công ty
  • Điều lệ công ty
  • Các văn bản pháp lý khác

2.4.2. Về phương diện thị trường

Thẩm định nhu cầu:

  • Kiểm tra những số liệu trong quá khứ
  • Xác định lại tính hợp lý của phương pháp dự trù nhu cầu dự án
  • So sánh, phân tích nhu cầu dự trù theo đầu người do dự án đề xuất với nhu cầu theo đầu người ở các nước lân cận

Thẩm định thị phần của dự án:

Thẩm định thị phần của dự án theo từng loại sản phẩm ở các khu vực thị trường, theo thời gian dự án đi vào hoạt động…

Thẩm định giá bán dự trù sản phẩm dự án dự kiến:

  • Chi phí sản xuất ước tính so sánh với chi phí sản xuất của các nhà cạnh tranh ngoài và trong nước hiện đang có sản phẩm đó tiêu thụ trên thị trường.
  • Đối với thị trường trong nước, cần so sánh những bất lợi và lợi thế về chi phí của các yếu tố đầu vào của dự án so với các nhà cạnh tranh hiện tại và trong tương lai.
  • Đối với thị trường nước ngoài (nếu sản phẩm dự án có triển vọng lớn đối với thị trường nước ngoài): đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng những lợi thế và bất lợi về chi phí sản xuất trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa.
  • Tìm hiểu giá bán sản phẩm của các nhà cạnh tranh trên thị trường hiện tại và dự báo tương lai.
  • Phân tích điều kiện về phương thức bán chịu của các doanh nghiệp cạnh tranh, thủ đoạn chèn ép của các doanh nghiệp và phải tính đến tình trạng hàng hóa không chịu thuế do nhập lậu.

Thẩm định chương trình tiếp thị:

  • Các hình thức quảng cáo, chào hàng và tính toán chi phí phục vụ cho các hình thức tiếp thị.
  • Các kênh phân phối trên từng loại thị trường cụ thể, đặc biệt là đối với những thị trường mới.
  • Những hình thức tổ chức dịch vụ trong bán hàng và sau bán hàng.

3. Các phương pháp thẩm định dự án đầu tư

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Các phương pháp thẩm định dự án đầu tư

3.1. Phương pháp thẩm định trình tự

Quá trình thẩm định dự án được tiến hành theo trình tự từ tổng quát đến chi tiết và gồm các bước sau đây:

  • Thẩm định tổng quát: Ban đầu, tiến hành xem xét một cách tổng quan về các nội dung cần được thẩm định trong dự án. Mục tiêu là đánh giá tổng quát tính đầy đủ, phù hợp và hợp lý của dự án. Thẩm định tổng quát giúp hiểu về quy mô, tầm cỡ và các vấn đề chính liên quan đến dự án, bao gồm mục tiêu, các giải pháp chủ yếu và lợi ích cơ bản. Điều này tạo cơ sở cho việc tiến hành các bước thẩm định tiếp theo.
  • Thẩm định chi tiết: Bước này được thực hiện sau khi hoàn thành bước thẩm định tổng quát. Thẩm định chi tiết được tiến hành tỉ mỉ và chi tiết cho từng nội dung cụ thể trong dự án. Bao gồm việc thẩm định các yếu tố như thị trường, điều kiện pháp lý, kỹ thuật, tài chính, tổ chức quản lý và tác động kinh tế xã hội của dự án. Thẩm định chi tiết đòi hỏi phải đưa ra ý kiến nhận xét, kết luận, đồng ý hoặc không đồng ý về từng nội dung đầu tư cụ thể. Cần nêu rõ các điểm cần bổ sung hoặc điều chỉnh. Mức độ tập trung trong quá trình này sẽ thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm của dự án và tình hình thực tế trong quá trình thẩm định.

3.2. Phương pháp so sánh, đối chiếu các chỉ tiêu

Quá trình phân tích và so sánh các nội dung dự án với các tiêu chuẩn, quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật và kinh tế thích hợp cũng như các thông lệ trong và ngoài nước và kinh nghiệm thực tế nhằm lựa chọn phương án tối ưu. Phương pháp này thực hiện dựa trên các chỉ tiêu dưới đây:

  • So sánh với tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và các quy định liên quan đến việc cấp công trình, theo quy định của Nhà nước hoặc dựa trên điều kiện tài chính của dự án.
  • Đối chiếu với tiêu chuẩn về công nghệ, thiết bị trong ngữ cảnh của chiến lược đầu tư công nghệ của quốc gia và quốc tế.
  • Xem xét tiêu chuẩn đối với loại sản phẩm mà thị trường yêu cầu trong dự án.
  • Áp dụng các chỉ tiêu tổng hợp như cơ cấu vốn đầu tư, tỷ suất đầu tư.
  • Xét định mức về sản xuất, tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, nhân công, tiền lương, chi phí quản lý trong ngành, dựa trên các định mức kinh tế-kỹ thuật chính thức.
  • Đánh giá các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư.
  • Tỷ lệ tài chính của doanh nghiệp phù hợp với hướng dẫn hiện hành của ngành và của nhà nước đối với từng loại hình doanh nghiệp.

3.3. Phương pháp dự báo

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Phương pháp dự báo sử dụng các số liệu để điều tra và áp dụng các phương pháp phù hợp

Phương pháp dự báo sử dụng các số liệu điều tra thống kê và áp dụng các phương pháp dự báo phù hợp để đánh giá và kiểm tra cung cầu về sản phẩm của thiết bị, dự án, nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác. Tất cả những yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của dự án.

3.4. Phương pháp phân tích độ nhạy

Phương pháp này được áp dụng để đánh giá mức độ an toàn và kiểm tra tính mạnh mẽ của các kết quả tính toán trước sự biến đổi của các yếu tố khách quan có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Để thực hiện điều này, cần tiến hành phân tích sự nhạy cảm của dự án.

Phân tích độ nhạy của dự án liên quan đến việc xem xét sự biến đổi trong hiệu quả tài chính khi các yếu tố liên quan đến hiệu quả đó thay đổi. Mục đích của phân tích sự nhạy cảm là đánh giá mức độ tác động của các yếu tố khác nhau lên dự án.

Phân tích độ nhạy giúp chủ đầu tư nhận biết được những yếu tố mà dự án phản ứng mạnh với, tức là yếu tố gây ra sự biến đổi nhiều nhất trong hiệu quả. Nhờ đó, chủ đầu tư có thể áp dụng được các biện pháp quản lý phù hợp để xử lý những yếu tố trên trong quá trình thực hiện dự án.

3.5. Phương pháp triệt tiêu rủi ro

Vì dự án là một tập hợp các yếu tố dự kiến trong tương lai, thời gian để thu hồi vốn từ khi dự án được thực hiện đến khi bắt đầu hoạt động thường rất dài và tồn tại nhiều rủi ro. Rủi ro được định nghĩa là sự kiện tiềm năng trong tương lai có khả năng xảy ra và sẽ có ảnh hưởng đến dự án. 

Để đảm bảo rằng dự án được hoàn thành một cách hiệu quả thì việc dự đoán các rủi ro là rất cần thiết. Điều này giúp chúng ta đề ra biện pháp phòng ngừa và hạn chế tối đa tác động của rủi ro, hoặc phân chia rủi ro giữa các đối tác liên quan đến dự án.

4. Quy trình thẩm định dự án đầu tư

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Quy trình thẩm định dự án đầu tư chia thành 2 giai đoạn

4.1. Quy trình thẩm định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư

Theo điều 6 của nghị định 59/2015/NĐ-CP, giai đoạn chuẩn bị đầu tư bao gồm các công việc: 

  • Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có).
  • Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng để quyết định, xem xét đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.

4.2. Quy trình thẩm định trong giai đoạn thực hiện đầu tư 

Theo điều 6 của nghị định 59/2015/NĐ-CP, giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc:

  • Thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có).
  • Chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có).
  • Khảo sát xây dựng
  • Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế cũng như dự toán xây dựng.
  • Cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng).
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng.
  • Thi công xây dựng công trình.
  • Giám sát thi công xây dựng.
  • Tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành.
  • Nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành.
  • Bàn giao công trình đã hoàn thành để đưa vào sử dụng.
  • Vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc cần thiết khác.

5. Mức chi phí thẩm định dự án đầu tư là bao nhiêu?

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Chi phí thẩm định tối thiểu 500.000 đồng và không quá 150 triệu đồng

Theo Thông tư 28/2023/TT-BTC, quy định về mức thu phí thẩm định cho dự án đầu tư xây dựng (bao gồm phí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc phí thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng) được áp dụng theo Biểu mức thu phí đi kèm. Mức thu phí được tính dựa trên tỷ lệ % trên tổng mức đầu tư dự án và áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

Để xác định số tiền phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, ta sử dụng công thức sau: 

Số tiền phí phải nộp = Tổng mức đầu tư x Mức thu phí

Trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án nằm trong khoảng giữa các mức đầu tư ghi trên biểu mức thu phí, số tiền phí thẩm định được tính theo công thức: 

Nit = Nib – { ((Nib – Nia)/(Gia – Gib)) x (Git – Gib) }

Trong công thức này:

  • Nit là chi phí thẩm định của dự án thứ i theo quy mô giá trị cần tính.
  • Git là quy mô giá trị của dự án thứ i.
  • Gia là quy mô giá trị cận trên.
  • Gib là quy mô giá trị cận dưới của quy mô giá trị cần tính phí thẩm định.
  • Nia là chi phí thẩm định cho dự án thứ i tương ứng với Gia.
  • Nib là chi phí thẩm định cho dự án thứ i tương ứng Gib.

Lưu ý rằng: 

  • Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với khu đô thị được xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản này. Trong đó, tổng mức đầu tư đề nghị thẩm định không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư trong dự án.
  • Phí thẩm định tối đa không quá 150 triệu đồng/tổng mức đầu tư dự án và tối thiểu không dưới 500 nghìn đồng/tổng mức đầu tư dự án.
  • Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng quy mô nhỏ, công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo và công trình khác do Chính phủ quy định (thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật) được xác định theo hướng dẫn tại điểm a của điều khoản này.

6. Bài tập thẩm định dự án đầu tư có lời giải

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Bài tập thẩm định dự án đầu tư

Bài tập:

Một dự án đầu tư bao gồm những thông tin sau:

  • TSCĐ = 1.200.
  • TSLĐ = 50% doanh thu thuần.
  • Doanh thu từ năm thứ 1 đến năm thứ 5 lần lượt là 600; 550; 480; 400 và 340.
  • Chi phí khác chưa kể khấu hao = 30% doanh thu thuần.
  • Giá trị thanh lý = 23.
  • VCSH = 600.
  • Vay ngân hàng 800, thời hạn 5 năm, lãi suất 10%/năm, trả theo niên kim từ cuối năm 1.
  • Thuế suất thuế TNDN = 20%.

*Các từ viết tắt: TSLĐ: Tài sản lưu động, TSCĐ: Tài sản cố định, TNDN: Thu nhập doanh nghiệp, VCSH: Vốn chủ sở hữu.

Lời giải:

1 – Bảng tính khấu hao

Trong bài tập thẩm định dự án đầu tư, bảng tính khấu hao thể hiện là phân bổ có hệ thống giá trị của một tài sản. 

Stt Khoản mục 0 1 2 3 4 5
1 Giá trị tài sản đầu kỳ 1200 960 720 480 240
2 Đầu tư mới trong kỳ 1200
3 Tỷ lệ trích khấu hao 20% 20% 20% 20% 20% 20%
4 Mức trích khấu hao 240 240 240 240 240
5 Khấu hao tích lũy 240 480 720 960 1200
6 Giá trị tài sản cuối kỳ 1200 960 720 480 240

2 – Bảng kế hoạch trả nợ (quy ước trả theo niên kim cố định)

Bảng trả nợ nhằm đánh giá độ an toàn về mặt tài chính của dự án. Việc dự án được thẩm định hay không phụ thuộc rất nhiều vào bảng này.

Năm ĐT Năm hoạt động
Stt Khoản mục
0 1 2 3 4 5
1 Dư nợ đầu kỳ 800 669 525 366 192
2 Nợ phát sinh trong kỳ 800
3 Lãi suất vay 10% 10% 10% 10% 10%
4 Tiền trả hàng năm 211 211 211 211 211
Trả lãi trong kỳ 80 66.9 52 36.63 19.19
Trả nợ gốc trong kỳ 131 144 159 174 192
5 Dư nợ cuối kỳ 800 699 525 366 192

3 – Bảng thống kê doanh thu, chi phí, lợi nhuận trong các năm hoạt động

Bảng thống kê doanh thu, chi phí, lợi nhuận trong bài tập phản ánh quy mô lãi của cả đời dự án tính tại thời điểm hiện tại.

Stt Khoản mục Năm ĐT Năm hoạt động
0 1 2 3 4
1 Tổng doanh thu 600 550 480 400 340
2 Tổng chi phí 500 472 436 397 361
Chi phí hoạt động 180 165 144 120 102
Khấu hao 240 240 240 240 240
Chi phí trả lãi vay 80.00 66.90 52.48 36.63 19.19
3 Thu nhập trước thuế 100.0 78.1 43.5 3.4 (21.2)
4 % Thuế TNDN 20% 20% 20% 20% 20%
5 Thuế thu nhập 20.0 15.6 8.7 0.7
6 Lợi nhuận ròng 80.0 62.5 34.8 2.7 (21.2)

4 – Bảng tính vốn lưu động

Bảng tính vốn lưu động được sử dụng để đánh giá khả năng thanh toán trong thời hạn ngắn của doanh nghiệp. Chỉ số này đo lường khả năng tận dụng tài sản lưu động để thanh toán các khoản nợ và các khoản phải trả ngắn hạn của doanh nghiệp.

Stt Khoản mục Năm ĐT Năm hoạt động
0 1 2 3 4 5
1 VLĐ hàng năm 300 275 240 200 170
2 Thay đổi VLĐR (vốn lưu động ròng) 300 25 35 40 30 170

5 – Bảng dòng tiền

Bảng dòng tiền được sử dụng để đánh giá tình hình tài chính, đo lường khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong việc chi trả các khoản nợ, chi phí và đầu tư.

Stt Khoản mục Năm ĐT Năm hoạt động
0 1 2 3 4 5
I Dòng tiền ra
1 Đầu tư vốn (1,200)
2 Trả gốc (131) (144) (159) (174) (192)
II Dòng tiền vào
3 Thay đổi VLDR (300) 25 35 40 30 170
4 Lợi nhuận sau thuế 80 62,5 34,8 2,7 (21.2)
5 Khấu hao 240 240 240 240 240
6 Nhận tài trợ 800
7 Thanh lý tài sản 23
8 Dòng tiền ròng (NCF) (700) 214 193.3 156.3 98.3 219.8
9 NPV (22.41) Dự án không hiệu quả do chỉ số NPV<0
10 IRR 9%

7. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến thẩm định dự án đầu tư

THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Các câu hỏi liên quan đến thẩm định dự án đầu tư

7.1. Ai có quyền thẩm định dự án đầu tư?

Theo Quyết định 1672/QĐ-BGTVT năm 2021, quy định về cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án và điều chỉnh dự án đầu tư như sau:

Dự án đầu tư không bao gồm công trình xây dựng sẽ được thẩm định và điều chỉnh theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thì có các trường hợp sau:

  • Dự án do Bộ trưởng quyết định đầu tư: Vụ Kế hoạch-Đầu tư sẽ chủ trì thẩm định và điều chỉnh dự án đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng Công trình giao thông (CTGT) sẽ chủ trì thẩm định và điều chỉnh các dự án sử dụng vốn đầu tư công còn lại.
  • Dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: Vụ Kế hoạch – Đầu tư và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT là đầu mối tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Bộ GTVT, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Hội đồng thẩm định Nhà nước trong công tác thẩm định. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư dựa trên đề xuất của Vụ Kế hoạch-Đầu tư. Vụ Kế hoạch-Đầu tư sẽ chủ trì tham mưu đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài, trong khi Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT sẽ chủ trì tham mưu đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công còn lại.
  • Các dự án khác thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT: Được chủ trì thẩm định bởi Vụ Kế hoạch-Đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài, và bởi Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công còn lại.

Các cơ quan chuyên môn về xây dựng giao cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức phân cấp và ủy quyền quyết định đầu tư dự án:

  • Tổng cục trưởng, Cục trưởng các Cục: Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam.
  • Cục trưởng các Cục: Y tế Giao thông vận tải, Đăng kiểm Việt Nam, Hiệu trưởng các Trường, Viện trưởng các Viện.

7.2. Dự án đầu tư xây dựng cần tuân thủ yêu cầu nào?

Dự án đầu tư xây dựng cần tuân thủ các yêu cầu sau:

  • Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết xây dựng và các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan.
  • Có báo cáo nghiên cứu khả thi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
  • Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
  • Có thiết kế kỹ thuật, dự toán chi phí đầu tư xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
  • Có hồ sơ về năng lực tài chính của chủ đầu tư.
  • Đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

7.3. Điều kiện để chủ đầu tư tự quản lý dự án đầu tư xây dựng là gì?

Chủ đầu tư được tự quản lý dự án đầu tư xây dựng nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có đủ năng lực về tài chính, trang thiết bị và nguồn nhân lực để thực hiện công tác quản lý dự án.
  • Có cán bộ quản lý dự án được đào tạo và có trình độ chuyên môn phù hợp.
  • Cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

7.4. Trường hợp nào phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?

Theo quy định của pháp luật, các trường hợp sau đây phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

+ Dự án của nhà đầu tư nước ngoài.

+ Dự án của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư.

7.5. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế là bao lâu?

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn hoạt động của dự án có thể được kéo dài thêm nhưng không quá 20 năm.

8. Tổng kết

Thẩm định dự án đầu tư đóng vai trò then chốt trong việc giúp nhà quản lý dự án đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt, tối ưu hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro. Việc thực hiện thẩm định dự án hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp đánh giá khoa học. Hy vọng, với bài viết trên, các nhà quản lý có thể nâng cao năng lực thẩm định dự án, tăng hiệu quả đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.