[TẤT TẦN TẬT] CÁC LOẠI ĐẤT Ở VIỆT NAM THEO LUẬT ĐẤT ĐAI 2024
Ký hiệu trên bản đồ địa chính đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Hiểu rõ ý nghĩa các ký hiệu này giúp nhà đầu tư, người môi giới, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin, xác định loại đất và mục đích sử dụng. Bài viết sau, NIKedu sẽ giúp bạn phân biệt các loại đất và hiểu rõ về hệ thống ký hiệu đất được áp dụng tại Việt Nam.
1. Tại sao cần phân loại và ký hiệu các loại đất?
Trên sổ đỏ, bản đồ quy hoạch hay bản đồ địa chính, mỗi ký hiệu đất đều mang một “mã số” riêng biệt về đặc điểm và mục đích sử dụng của khu đất đó. Việc phân loại và đặt ký hiệu mang lại nhiều lợi ích thiết thực như sau:
- Xác định thuế nhà đất: Đây là căn cứ để cơ quan thuế áp dụng đúng mức thuế nhà đất. Người sử dụng/ sở hữu đất có trách nhiệm nộp thuế đúng hạn, đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Công cụ quản lý đất đai: Nhờ ký hiệu, các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, theo dõi diện tích, phân bố và tình trạng sử dụng đất trên toàn quốc. Việc quy hoạch, kiểm kê và thống kê đất đai trở nên chính xác hơn.
- Giải quyết tranh chấp đất đai: Là bằng chứng quan trọng trong việc xác định ranh giới, diện tích và chủ sở hữu của từng thửa đất, góp phần giải quyết các tranh chấp đất đai minh bạch.
- Căn cứ cấp, thu hồi đất: Khi Nhà nước có kế hoạch thu hồi đất hoặc cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân/ tổ chức, ký hiệu đất sẽ là căn cứ để thực hiện các thủ tục pháp lý.
- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ký hiệu đất là căn cứ để đánh giá tính khả thi của việc chuyển đổi đối với môi trường và cộng đồng.
Từ các lý do trên, việc phân loại và ký hiệu đất đai là rất cần thiết trong quản lý, sử dụng đất đai tại Việt Nam. Cũng như góp phần tra cứu thông tin, sử dụng đất hợp pháp và theo quy định của pháp luật.
2. Phân biệt các nhóm đất theo Luật Đất đai 2024
Ngày 18/01/2024, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Đất đai 2024 với nhiều nội dung quan trọng, thay thế cho Luật Đất đai 2013 trước đây. Luật mới gồm 16 chương và 260 điều luật, quy định chi tiết về chế độ sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai và trách nhiệm của Nhà nước; quyền hạn và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất thuộc lãnh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 và áp dụng đối với:
- Các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý, quy hoạch sử dụng đất.
- Người sử dụng đất.
- Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai.
Theo Dự thảo luật Đất đai 2024 (Điều 9), quy định về phân loại đất đai dựa trên mục đích sử dụng, gồm ba nhóm chính:
2.1. Nhóm đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp, hay còn gọi là đất canh tác, nhằm phục vụ an ninh lương thực quốc gia và phát triển kinh tế nông thôn. Theo quy định, đất nông nghiệp được chia thành 7 nhóm chính, mỗi nhóm mang đặc điểm và mục đích sử dụng riêng biệt:
- Đất trồng cây hàng năm như đất trồng lúa nước, đất đồng cỏ dùng trong chăn nuôi, đất trồng các loại cây ngắn ngày (ngô, khoai lang, đậu phộng,…).
- Đất trồng cây lâu năm như cây ăn quả (xoài, nhãn, vải, cam,…), cây công nghiệp (cao su, cà phê, hồ tiêu,…), và các loại cây khác (chè, dâu tây,…).
- Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng sản xuất gỗ, đất rừng phòng hộ (ở đầu nguồn, ven biển, ven sông, suối), đất rừng đặc dụng (rừng quốc gia, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên) và các loại cây lâm sản khác.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản nước mặn (nuôi tôm, cua, cá,…), và nước ngọt (nuôi cá, lươn,…)
- Đất chăn nuôi tập trung, gồm đất chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến
- Đất làm muối phục vụ nhu cầu tiêu dùng và ngành công nghiệp.
- Đất nông nghiệp khác dùng để xây nhà kính, nhà phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản với mục đích nghiên cứu, học tập.
2.2. Nhóm đất phi nông nghiệp
Đất phi nông nghiệp là gì? Đây là nhóm đất dùng cho mục đích khác ngoài sản xuất nông nghiệp và không thuộc đất đai chưa có mục đích sử dụng. Các loại đất thuộc nhóm này bao gồm:
- Đất ở, gồm đất ở nông thôn và đất ở đô thị, dùng để xây dựng nhà cửa, sinh sống.
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan.
- Đất quốc phòng, an ninh sử dụng cho mục đích xây dựng và an toàn quốc gia.
- Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm đất sử dụng cho mục đích xây dựng cơ sở văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, thể thao, khoa học, ngoại giao,…
- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm đất xây dựng khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khai thác khoáng sản,…
- Đất công cộng, gồm đất dùng cho các công trình giao thông, đấy xây dựng hạ tầng bưu chính, viễn thông, đất cho khu vui chơi giải trí, chợ đầu mối, chợ dân sinh,…
- Đất thuộc cơ sở tôn giáo, dùng cho các công trình tôn giáo như đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ,…
- Đất sử dụng làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ.
- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, dùng cho các hoạt động khai thác, vận tải,…
- Đất phi nông nghiệp khác: Do Chính phủ quy định, ví dụ như đất làm kho bãi, nhà xưởng,…
2.3. Nhóm đất chưa sử dụng
Đất chưa sử dụng là những khu đất chưa được quy hoạch hoặc xác định cụ thể mục đích sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, khu dân cư, khu đô thị hay đất chuyên dùng,… Đồng thời, những khu đất này cũng chưa được giao cho tổ chức, hộ gia đình hay cá nhân nào để sử dụng ổn định lâu dài.
Nhóm đất này được chia thành 3 loại chính:
- Đất bằng chưa sử dụng: Là những khu đất bằng phẳng nằm ở khu vực đồng bằng, thung lũng hoặc cao nguyên chưa được sử dụng.
- Đất đồi núi chưa sử dụng: Là những khu đất dốc nằm ở khu vực đồi núi chưa được sử dụng.
- Núi đá không có cây: Là những khu vực núi đá không có cây cối bao phủ và chưa được sử dụng.
3. Giải thích ký hiệu các loại đất trên bản đồ địa chính
3.1. Ký hiệu đất nông nghiệp
Căn cứ vào Thông tư 25/2014/TT-BTNMT ban hành kèm theo Quy định về việc tra cứu, cung cấp thông tin về đất đai, ký hiệu các loại đất nông nghiệp được quy định như sau:
Loại đất |
Ký hiệu |
Đất chuyên trồng lúa nước | LUC |
Đất trồng lúa nước còn lại | LUK |
Đất lúa nương | LUN |
Đất bằng trồng cây hàng năm khác | BHK |
Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác | NHK |
Đất trồng cây lâu năm | CLN |
Đất rừng sản xuất | RSX |
Đất rừng phòng hộ | RPH |
Đất rừng chuyên dụng | RDD |
Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
Đất làm muối | LMU |
Đất nông nghiệp khác | NKH |
3.2. Ký hiệu đất phi nông nghiệp
Đất phi nông nghiệp được đặt ký hiệu là PNN. Tuy nhiên, nhóm đất này được chia thành nhiều loại khác nhau, mỗi loại có ký hiệu riêng như bảng sau:
Loại đất |
Ký hiệu |
Đất ở nông thôn | ONT |
Đất ở đô thị | ODT |
Đất xây dựng trụ sở cơ quan | TSC |
Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp | DTS |
Đất xây dựng cơ sở văn hóa | DVH |
Đất xây dựng cơ sở y tế | DYT |
Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo | DGD |
Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao | DTT |
Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ | DKH |
Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội | DXH |
Đất xây dựng cơ sở ngoại giao | DNG |
Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác | DSK |
Đất quốc phòng | CQP |
Đất an ninh | CAN |
Đất khu công nghiệp | SKK |
Đất khu chế xuất | SKT |
Đất cụm công nghiệp | SKN |
Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp | SKC |
Đất thương mại và dịch vụ | TMD |
Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản | SKS |
Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm | SKX |
Đất giao thông | DGT |
Đất thủy lợi | DTL |
Đất công trình năng lượng | DNL |
Đất công trình bưu chính viễn thông | DBV |
Đất sinh hoạt cộng đồng | DSH |
Đất khu vui chơi, giải trí công cộng | DKV |
Đất chợ | DCH |
Đất có di tích lịch sử – văn hóa | DDT |
Đất danh lam thắng cảnh | DDL |
Đất bãi thải, xử lý chất thải | DRA |
Đất công trình công cộng khác | DCK |
Đất cơ sở tôn giáo | TON |
Đất cơ sở tín ngưỡng | TIN |
Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng | NTD |
Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối | SON |
Đất cơ mặt nước chuyên dùng | MNC |
Đất phi nông nghiệp khác |
PNK |
3.3. Ký hiệu đất chưa sử dụng
Theo quy định về ký hiệu các loại đất, đất chưa sử dụng được chia thành 3 loại chính và có ký hiệu riêng như sau:
Loại đất |
Ký hiệu |
Đất bằng chưa sử dụng | BCS |
Đất đồi núi chưa sử dụng | DCS |
Núi đá không có rừng cây | NCS |
4. Tổng kết
Đất đai là tài nguyên quý giá của quốc gia, đóng vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, việc phân loại và ký hiệu đất đai một cách khoa học là vô cùng cần thiết. Hy vọng, qua bài viết này, bạn có thể tự tra cứu, nhận diện các loại đất trên bản đồ và tránh xảy ra sai sót khi giao dịch, đầu tư bất động sản. Để nâng cao trình độ bản thân, bạn hãy đăng ký tham gia ngay khóa học Chiến Lược Đầu Tư Bất Động Sản cùng NIK nhé!