Cái tôi là gì? Cái tôi quá lớn có tốt không? 5 cách giảm cái tôi

Con người từ khi sinh ra đã mang trong mình một cái tôi riêng, đại diện cho nhân cách, giá trị và đánh giá của bản thân. Cái tôi hình thành và lớn dần theo thời gian, qua biến đổi của môi trường, việc đề cao cái tôi có thể dẫn bạn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu chi tiết cái tôi là gì qua bài viết dưới đây.

Cái tôi là gì? Cái tôi quá lớn có tốt không? 5 cách giảm cái tôi
Cái tôi là gì? Cái tôi quá lớn có tốt không? 5 cách giảm cái tôi

1. Định nghĩa về cái tôi là gì?

Có nhiều trường phái cho ra những khái niệm về cái tôi khác nhau. Dưới đây là 3 định nghĩa cơ bản theo 3 trường phái:

  • Theo triết học: “Cái tôi” đơn thuần là chỉ bản thân với những đặc điểm khác biệt nhằm để phân biệt với người khác
  • Theo phân tâm học: “Cái tôi” có thể hiểu là phần cốt lõi của tính cách, có sự liên quan đến thực tại và bị chi phối, ảnh hưởng trực tiếp bởi yếu tố xã hội. Nói cách khác, cái tôi chính là một miền của tâm thức. Cái tôi sẽ được xây dựng dần trong quá trình tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
  • Theo Phật giáo: “Cái tôi” được gọi là “ngã” và được lý giải dựa theo một thể tính trường tồn và không chịu sự tác động từ tụ tán hay sinh tử. Nó được hình thành từ hai thành phần chính là thân thể và tâm thức, đều là 2 thành tố có khả năng biến chuyển theo thời gian.

Xem thêm về kỹ năng sống

2. Quan niệm về cái tôi

Cái tôi có thể hình thành và lớn dần theo thời gian, tuy nhiên chúng phát triển độc lập theo quá trình sống của con người. Một cách dễ hiểu hơn, có thể lấy ví dụ về cái tôi của một đứa trẻ và cái tôi của một người đã trưởng thành. Khi còn bé, trẻ con thường khá vô tư về các vấn đề xảy ra xung quanh mình. Chúng gần như quên đi mọi thứ và trở lại trạng thái vui vẻ mặc dù trước đó có thể đã bị bố mẹ la mắng. Tuy nhiên, đối với một người trưởng thành, mọi suy nghĩ, thái độ đều toát lên cái tôi của họ. Khi bị chạm vào “cái tôi”, chẳng hạn như bị sếp la mắng, người trưởng thành thường có thái độ tự ái, hoặc cáu gắt với những lời nói của đối phương và thái độ này không chấm dứt tức thời mà có thể kéo dài về sau, tùy vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Trên thực tế, cái tôi có thể được áp dụng theo cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Ở góc độ tích cực, cái tôi sẽ giúp cá nhân trở nên tự tin, hãnh diện về giá trị, tài năng và phẩm giá của bản thân. Bạn khao khát được thể hiện bản thân, mong muốn được chinh phục thử thách để khẳng định năng lực của mình. Từ đó dần hình thành động lực để phấn đấu và phát triển hơn trong cuộc sống.

Mặt khác, trên phương diện tiêu cực, những người có cái tôi quá cao thường biến sự tự tin vốn có thành sự tự cao. Họ luôn muốn tự đề cao bản thân trong mọi vấn đề, luôn khẳng định rằng mình luôn đúng và khó chấp nhận mọi ý kiến trái chiều, có thể coi là coi thường người khác. Sự tự tin quá mức đôi khi sẽ dẫn đến nhiều bất lợi kể cả trong công việc cũng như các mối quan hệ của bạn.

Xem thêm về năng lượng tích cực

3. Cái tôi quá lớn là tốt hay xấu?

Cái tôi không hề xấu, tuy nhiên cái tôi quá lớn lại đem đến nhiều bất lợi trong cuộc sống của bạn. Hình thái biểu hiện của cái tôi là sự tự ái quá mức và những tưởng tượng, suy diễn không phù hợp. Bạn luôn cho chính mình là trung tâm của vũ trụ hoặc mãi bị chìm đắm trong sự mặc cảm, tự ti về bản thân mà không thoát ra được.

Khi bị cái tôi cản trở, bạn dường như không thể nhận định, phán đoán mọi thứ một cách khách quan được mà luôn bị chèn ép, bóp méo bởi những định kiến cá nhân. Điều này dẫn đến những hành vi ứng xử sai lệch. Bạn có thể bảo vệ ý kiến của mình một cách thái quá, gạt bỏ hết những quan điểm của người khác, hậu quả là nhiều xung đột diễn ra hơn và vấn đề cốt lõi thì không được giải quyết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn dần trở nên ích kỉ, đố kị, tự gò bó bản thân theo khuôn khổ chuẩn mực nào đó.

Để dễ hình dung, bạn có thể áp dụng nó trong một vài tình huống của cuộc sống. Chẳng hạn như trong hôn nhân, khi xảy ra cãi vã giữa bạn và vợ (chồng), thay vì chịu khó hạ thấp cái tôi một chút để lắng nghe cảm nghĩ, ý kiến của đối phương, bạn lại tự khăng khăng cho mình là đúng. Khi xung đột bị đẩy lên cao trào, một trong hai người không ai chịu hạ cái tôi của mình xuống thì khả năng cao sẽ dẫn đến sự tan vỡ.

4. 5 cách có thể áp dụng để giảm cái tôi trong cuộc sống

4.1 Tránh đem bản thân ra so sánh với người khác

Mỗi cá thể sinh ra đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Việc thường xuyên đem bản thân ra so sánh với người khác có thể khiến bạn trở nên đố kỵ hơn. Bạn sẽ có xu hướng tự đề cao bản thân để gia tăng sự tự tin, đồng thời hạ thấp người khác. Điều này là hoàn toàn không nên. Thay vào đó, hãy tập trung vào chính bản thân mình, cố gắng trau dồi và nuôi dưỡng cả về thể chất và trí tuệ, từ đó sẽ hình thành sự tự tin vững chãi cho mình.

4.2 Lắng nghe người khác nói về bản thân nhiều hơn

Người biết lắng nghe những lời nhận xét chính là người có khả năng phát triển tốt nhất. Khi nghe những lời khen tốt về mình, sự tự tin của bạn sẽ tăng lên nhanh chóng, bạn thấy tự hào và yêu bản thân hơn, có động lực để tiếp tục cố gắng. Khi nghe những lời phê bình, thay vì tỏ thái độ phản kháng tức thì, bạn nên bình tĩnh phân tích xem những lời phê bình đó là đúng hay sai. Nếu đúng thì cố gắng tiếp thu và rút kinh nghiệm lần sau, nếu sai thì hãy lên tiếng để bảo vệ quan điểm của mình.

Xem thêm về kỹ năng lắng nghe người khác

4.3 Nhìn đúng về sự thất bại và thành công

Người có cái tôi lớn khi đối mặt với thất bại hay những lời khiển trách thường dễ có thái độ suy sụp, mất động lực và dễ dàng bỏ cuộc. Việc thất bại khiến họ dần mất niềm tin vào khả năng của bạn thân, khiến mình không còn muốn cố gắng thêm nữa. Người biết cách chấp nhận thất bại sẽ nhìn thấy những điểm còn thiếu sót và cố gắng cải thiện ở những lần sau. Đó cũng chính là chìa khóa cho sự thành công bền vững mà không phải bất kỳ ai cũng có thể làm được.

4.4 Dũng cảm mở lòng và hiểu hơn cho người khác

Người có cái tôi cao thường khó chấp nhận ý kiến của người khác, điều này khiến họ không muốn mở lòng với bất kỳ lời giãi bày nào. Chẳng hạn như trong tình yêu, thay vì giữ vững quan điểm “ai xuống nước trước người đó sẽ thua”, hãy lắng nghe và thấu hiểu cho đối phương, bên cạnh đó ta cũng cần dũng cảm mở lòng trước bằng những câu xin lỗi chân thành để hàn gắn những vết rạn nứt.

4.5 Nhìn nhận mọi thứ xung quanh

Nhìn nhận được thể hiện ở sự công nhận tài năng của người khác và điểm yếu của chính bản thân mình. Không một ai sinh ra đã hoàn hảo, đó đều là quá trình tự nhìn nhận thiếu sót của bản thân và hoàn thiện dần theo từng ngày. Do đó, hãy học cách quan sát và nhìn nhận một người để nhận ra nhiều điểm tốt, phẩm chất của họ, biết đâu chính bạn cũng cần phải học hỏi từ họ.

Khái niệm “cái tôi là gì” có lẽ không còn quá khó đối với nhiều người. Cái tôi là quan trọng trong cuộc sống, nó có thể thúc đẩy bạn phát triển hơn, cũng có thể chèn ép và thâu tóm bạn. Do đó hãy biết cân đối, ứng xử phù hợp trong từng hoàn cảnh để cái tôi được phát triển một cách tốt nhất.

Với kinh nghiệm cùng sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc NIK luôn đặt lợi ích của khách hàng lên đầu và làm kim chỉ nam hoạt động của công ty. “Vì lợi ích của khách hàng” luôn là điều mà NIK lấy làm tôn chỉ và cố gắng mang đến cho quý khách hàng những bài học về tri thức tốt nhất. Vì vậy mà chúng tôi tin tưởng rằng những dịch vụ của NIK sẽ làm quý khách cảm thấy hài lòng!