GIẤY ỦY QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT: NỘI DUNG, THỦ TỤC VÀ RỦI RO CẦN LƯU Ý
Giấy ủy quyền sử dụng đất là văn bản pháp lý quan trọng, cho phép chuyển giao quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản cho người được ủy quyền. Tuy nhiên, quy trình lập giấy ủy quyền cùng các chi phí liên quan là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Bài viết này, NIK EDU sẽ chia sẻ đầy đủ thông tin về giấy uỷ quyền nhà đất, nhằm giúp bạn tránh những rủi ro về mặt pháp lý.
1. Uỷ quyền sử dụng đất là gì?
Hiện tại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc ủy quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ủy quyền sử dụng đất có thể được hiểu là việc một bên (bên ủy quyền) giao quyền cho bên khác (bên được ủy quyền) thực hiện các công việc liên quan đến quyền sử dụng đất trong phạm vi pháp luật cho phép.
Người được ủy quyền có quyền khai thác lợi ích từ đất, bao gồm việc sử dụng đất để thu hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 quy định căn cứ xác lập quyền đại diện:
Điều 135. Căn cứ xác lập quyền đại diện
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Theo Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đại diện theo ủy quyền:
Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
- Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
- Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Theo Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền sử dụng:
Điều 189. Quyền sử dụng
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Mẫu giấy uỷ quyền sử dụng đất là gì?
Mẫu giấy ủy quyền sử dụng đất là văn bản pháp lý giữa bên ủy quyền (chủ sở hữu hoặc người có quyền sử dụng đất) và bên nhận ủy quyền. Văn bản này cho phép bên nhận ủy quyền thực hiện các công việc liên quan đến quyền sử dụng đất, như quản lý, sử dụng hoặc thực hiện thủ tục pháp lý.
Giấy ủy quyền cần chứa thông tin quan trọng, bao gồm thông tin cá nhân của hai bên, chi tiết mảnh đất, phạm vi quyền hạn và thời hạn ủy quyền. Để đảm bảo tính pháp lý, mẫu giấy này thường phải được công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
3. Trường hợp nào cần làm hợp đồng uỷ quyền sử dụng đất?
Ủy quyền nhà đất thường áp dụng khi người sở hữu hoặc có quyền sử dụng không thể trực tiếp tham gia các giao dịch. Một số trường hợp phổ biến bao gồm:
- Chủ sở hữu ở xa, không thể thực hiện các thủ tục như mua bán, cho thuê, hoặc chuyển nhượng, nên ủy quyền cho người khác Người sở hữu bận rộn hoặc thiếu kiến thức về pháp lý, chọn ủy quyền cho người thân hoặc chuyên gia để xử lý.
- Trong các tranh chấp hoặc thủ tục phức tạp, chủ sở hữu có thể ủy quyền cho luật sư đại diện làm việc với cơ quan chức năng.
- Chủ sở hữu giao quyền tạm thời cho người khác quản lý tài sản khi không thể trực tiếp thực hiện.
>>> Xem thêm: Chuyển quyền sử dụng đất có chịu thuế GTGT không?
4. Nội dung cần có của giấy uỷ quyền sử dụng đất
Để có giá trị pháp lý và rõ ràng trong quá trình thực hiện, nội dung của giấy ủy quyền sử dụng đất cần đảm bảo đầy đủ các thông tin sau:
Thông tin của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền:
- Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD hoặc hộ chiếu.
- Địa chỉ thường trú, số điện thoại liên hệ.
Thông tin về quyền sử dụng đất:
- Mô tả chi tiết về mảnh đất (diện tích, địa chỉ, số thửa, tờ bản đồ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
- Thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Số giấy, ngày cấp, cơ quan cấp.
Phạm vi ủy quyền:
- Xác định rõ ràng công việc mà bên nhận ủy quyền được thực hiện, chẳng hạn như: quản lý, sử dụng, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thực hiện các thủ tục pháp lý.
- Quyền hạn của bên nhận ủy quyền, đặc biệt nếu có việc chuyển quyền sử dụng đất hoặc thay mặt bên ủy quyền trong giao dịch mua bán.
Thời hạn ủy quyền:
- Thời gian có hiệu lực của giấy ủy quyền (từ ngày… đến ngày…).
- Quy định cụ thể về việc chấm dứt ủy quyền (hết thời hạn, hai bên thỏa thuận chấm dứt, hoặc khi một trong hai bên mất năng lực hành vi dân sự).
Cam kết và trách nhiệm của các bên:
- Cam kết của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền về tính trung thực và tuân thủ pháp luật.
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu vi phạm quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận.
Chữ ký và xác nhận:
- Chữ ký của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền.
- Công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền (phòng công chứng, UBND xã/phường) để đảm bảo tính pháp lý.
5. Mẫu hợp đồng uỷ quyền sử dụng nhà đất theo quy định hiện hành
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN SỬ DỤNG NHÀ ĐẤT
Số:……../HĐUQ
Hôm nay, ngày …… tháng …… năm ……, tại …………………….., chúng tôi gồm có:
1. BÊN ỦY QUYỀN (BÊN A)
- Họ và tên: ……………………………..……..…………..…….. Ngày sinh: ………………..
- CMND/CCCD số: ………………………………… Ngày cấp: ………… Nơi cấp: ……………
- Địa chỉ thường trú: …………………………………..………………………………….
- Số điện thoại liên hệ: …………………………………………..
2. BÊN NHẬN ỦY QUYỀN (BÊN B)
- Họ và tên: ……………………………..……..…………..…….. Ngày sinh: ………………..
- CMND/CCCD số: ………………………………… Ngày cấp: ………… Nơi cấp: ……………
- Địa chỉ thường trú: …………………………………..………………………………….
- Số điện thoại liên hệ: …………………………………………..
3. NỘI DUNG ỦY QUYỀN
Bên A ủy quyền cho Bên B thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng nhà đất với thông tin như sau:
- Địa chỉ nhà đất: ………………………………………….
- Diện tích đất: …………………… m².
- Số thửa đất: ……………………………, Tờ bản đồ: ………………….
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Số ……………Ngày cấp: ………………….
- Phạm vi ủy quyền:
- Quản lý, sử dụng nhà đất.
- Thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, hoặc các giao dịch khác (nếu có).
4. THỜI HẠN ỦY QUYỀN
Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ……/……/…… đến ngày ……/……/…… (hoặc đến khi hai bên thỏa thuận chấm dứt).
5. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN
- Quyền và nghĩa vụ của Bên A:
- Cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ liên quan đến quyền sử dụng nhà đất cho Bên B.
- Hỗ trợ Bên B trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ được ủy quyền.
- Quyền và nghĩa vụ của Bên B:
- Sử dụng nhà đất theo đúng phạm vi ủy quyền đã thỏa thuận.
- Bảo quản và bảo vệ tài sản trong suốt thời gian sử dụng, chịu trách nhiệm về mọi hành động liên quan trong phạm vi ủy quyền.
6. CAM KẾT CỦA CÁC BÊN
- Các bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng, nếu có tranh chấp sẽ cùng nhau giải quyết trên tinh thần hợp tác.
- Trong trường hợp một trong hai bên vi phạm, bên còn lại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
7. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Hợp đồng này được lập thành …… bản, mỗi bản gồm …… trang, có giá trị pháp lý như nhau. Mỗi bên giữ …… bản, ………… (nếu có).
Bên A |
Bên B |
Xác nhận của công chứng/UBND xã/phường
Tải xuống: mẫu hợp đồng ủy quyền sử dụng đất
>>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng uỷ quyền mua bán đất theo quy định
6. Hồ sơ, thủ tục uỷ quyền sử dụng đất theo quy định mới nhất
Cùng NIK tìm hiểu quy trình chuẩn bị hồ sơ và thủ tục làm giấy uỷ quyền sử dụng đất theo quy định dưới đây:
6.1. Hồ sơ cần chuẩn bị để uỷ quyền nhà đất
Để quá trình ủy quyền diễn ra suôn sẻ, bên ủy quyền và bên được ủy quyền cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định, bao gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
- Giấy tờ nhân thân của cả hai bên (CMND/CCCD hoặc hộ chiếu).
- Sổ hộ khẩu của cả hai bên.
- Mẫu giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền đã soạn thảo trước (có thể nhờ luật sư hỗ trợ để đảm bảo chính xác và đúng quy định pháp luật).
Lưu ý: Cần kiểm tra kỹ thông tin trên các giấy tờ để tránh sai sót.
Xem thêm các loại giấy tờ quan trọng cần kiểm tra khi mua bán nhà đất trong video sau:
6.2. Thủ tục lập và công chứng giấy ủy quyền sử dụng đất
Để hoàn tất quá trình làm giấy ủy quyền sử dụng đất, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Soạn thảo văn bản ủy quyền: Nêu rõ phạm vi và thời hạn ủy quyền, cùng các quyền hạn cụ thể của bên được ủy quyền, đảm bảo tuân thủ pháp luật và quyền lợi của các bên.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng: Mang hồ sơ đến văn phòng công chứng gần nhất hoặc yêu cầu công chứng viên đến tận nơi nếu cần. Nên chọn công chứng viên uy tín và có kinh nghiệm.
Bước 3: Kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ: Công chứng viên kiểm tra giấy tờ, xác nhận tính pháp lý và quyền hạn trong hồ sơ, giúp bảo vệ quyền lợi nếu xảy ra tranh chấp.
Bước 4: Ký kết và công chứng: Sau khi xác nhận, công chứng viên lập biên bản và chứng nhận văn bản ủy quyền. Các bên ký vào văn bản trước sự chứng kiến của công chứng viên; đọc kỹ nội dung trước khi ký.
Bước 5: Nhận văn bản công chứng: Sau khi hoàn tất, nhận lại văn bản ủy quyền công chứng, có giá trị pháp lý cho các giao dịch nhà đất.
Lưu ý: Giữ văn bản an toàn và thông báo cho các bên liên quan. Phí công chứng ủy quyền thường dựa trên giá trị tài sản và phạm vi ủy quyền.
>>> Xem thêm: Thủ tục công chứng mua bán nhà đất
7. Giải đáp các thắc mắc liên quan về uỷ quyền sử dụng đất
Sau đây là một số thắc mắc thường gặp khi thực hiện giấy uỷ quyền sử dụng đất cần quan tâm:
7.1. Quyền, nghĩa vụ của bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền nhà đất là gì?
Quyền và nghĩa vụ | Bên uỷ quyền | Bên nhận uỷ quyền |
Quyền | – Yêu cầu bên nhận ủy quyền thực hiện các công việc liên quan đến nhà đất theo đúng nội dung và phạm vi ủy quyền đã quy định.
– Hủy bỏ ủy quyền khi cần thiết nếu phát hiện bên nhận ủy quyền không thực hiện đúng cam kết hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. |
– Thực hiện các công việc liên quan đến nhà đất theo phạm vi ủy quyền được quy định trong văn bản.
– Thay mặt bên ủy quyền thực hiện các giao dịch, ký kết hợp đồng, chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà đất. |
Nghĩa vụ | – Cung cấp đầy đủ và chính xác các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu đất.
– Thông báo rõ ràng phạm vi và quyền hạn của bên nhận ủy quyền. – Chịu trách nhiệm về những sai sót trong thông tin cung cấp. – Thực hiện nghĩa vụ thanh toán (nếu có) cho bên nhận ủy quyền. |
– Tuân thủ đầy đủ các điều khoản trong giấy uỷ quyền sử dụng đất
– Không được lạm quyền hoặc thực hiện những hành vi vượt quá phạm vi được ủy quyền. – Báo cáo lại tiến độ thực hiện công việc và đảm bảo trung thực trong quá trình thực hiện. |
7.2. Có rủi ro nào khi ủy quyền sử dụng đất hay không?
Khi uỷ quyền sử dụng đất, có một số rủi ro thường mà bên uỷ quyền thường gặp phải như:
- Rủi ro lạm quyền: Bên nhận ủy quyền có thể lạm dụng quyền hạn, thực hiện hành vi ngoài phạm vi ủy quyền, gây thiệt hại cho bên ủy quyền.
- Rủi ro về hiệu lực pháp lý: Nếu giấy uỷ quyền sử dụng đất không được lập hoặc công chứng đúng quy định, nó có thể bị vô hiệu, dẫn đến khó khăn trong giao dịch. Điều này thường xảy ra khi thông tin không đầy đủ hoặc không được công chứng bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Rủi ro tranh chấp: Tranh chấp có thể phát sinh nếu các điều khoản trong văn bản ủy quyền không rõ ràng hoặc hai bên không đồng thuận về quyền lợi và nghĩa vụ. Ngoài ra, bên nhận ủy quyền có thể hành động gian lận, như bán nhà đất mà không thông báo cho bên ủy quyền.
7.3. Điều khoản nào cần lưu ý trong hợp đồng uỷ quyền nhà đất?
Khi soạn thảo giấy ủy quyền sử dụng đất, các bên cần lưu ý những điều khoản sau:
- Phạm vi ủy quyền: Cần xác định rõ ràng các công việc mà bên nhận ủy quyền được phép thực hiện, bao gồm quyền và nghĩa vụ cụ thể, nhằm tránh tình trạng mập mờ có thể dẫn đến tranh chấp. Phạm vi này có thể bao gồm bán, chuyển nhượng, cho thuê, hoặc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến nhà đất.
- Thời hạn ủy quyền: Thời hạn ủy quyền cần được ghi rõ trong văn bản, có thể là một khoảng thời gian cố định hoặc kéo dài đến khi hoàn thành công việc. Sau thời hạn này, văn bản ủy quyền sẽ tự động hết hiệu lực.
- Thù lao và chi phí: Nếu có quy định về thù lao, cần chỉ rõ số tiền bên ủy quyền sẽ trả cho bên nhận ủy quyền. Ngoài ra, các khoản chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện ủy quyền (như phí công chứng, phí luật sư, phí giao dịch) cũng cần được thỏa thuận cụ thể.
- Cam kết và trách nhiệm pháp lý: Cả hai bên phải cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng ủy quyền và chịu trách nhiệm pháp lý nếu có vi phạm. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của bên ủy quyền trước hành vi lạm dụng hoặc sai phạm của bên nhận ủy quyền.
7.4. Làm thế nào để xử lý khi có sai sót hoặc tranh chấp?
Khi xảy ra sai sót hoặc tranh chấp trong ủy quyền nhà đất, bạn cần thực hiện:
- Điều chỉnh sai sót: Nếu văn bản có sai sót (như thông tin cá nhân, phạm vi hoặc thời hạn), các bên cần yêu cầu công chứng viên điều chỉnh hoặc lập lại văn bản mới. Nếu đã công chứng, phải hủy văn bản cũ và lập lại.
- Phòng tránh và giải quyết tranh chấp:
- Thỏa thuận rõ ràng: Văn bản ủy quyền phải nêu rõ phạm vi, quyền lợi, trách nhiệm và thời gian hiệu lực để tránh hiểu nhầm.
- Can thiệp pháp lý: Nếu phát sinh tranh chấp, có thể nhờ luật sư hòa giải hoặc giải quyết tại tòa. Văn bản có thể bị vô hiệu nếu vi phạm pháp luật.
- Kiểm tra kỹ lưỡng: Các bên cần xem xét cẩn thận mọi điều khoản và đảm bảo thông tin chính xác trước khi ký.
Xem thêm tư vấn về cách giải quyết tranh chấp đất đai trong video dưới đây:
7.5. Ủy quyền sử dụng đất và chuyển nhượng nhà đất khác nhau như nào?
Sự khác biệt giữa ủy quyền và chuyển nhượng nhà đất được hiểu như sau:
- Ủy quyền nhà đất: Là hành động mà người sở hữu trao quyền thực hiện một số giao dịch liên quan đến nhà đất cho người khác. Quyền sở hữu vẫn thuộc về người ủy quyền, và hợp đồng ủy quyền có hiệu lực tạm thời, chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.
- Chuyển nhượng nhà đất: Là việc bên chuyển nhượng bán hoặc chuyển quyền sở hữu nhà đất cho bên nhận chuyển nhượng. Sau khi hoàn tất thủ tục, quyền sở hữu sẽ vĩnh viễn thuộc về bên nhận chuyển nhượng, và bên chuyển nhượng không còn quyền gì đối với tài sản.
8. Tổng kết
Như vậy, giấy ủy quyền sử dụng đất là công cụ quan trọng trong giao dịch bất động sản, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro nếu không tuân thủ quy định. Hiểu rõ quy trình, chi phí và các lưu ý pháp lý là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của bạn. Để cập nhật thông tin mới nhất về đầu tư nhà đất và có cơ hội giao lưu cùng các chuyên gia hàng đầu, các bạn tham khảo ngay khoá học Trí tuệ đầu tư 6.0 tại NIK EDU.